Nội dung chất vấn, thảo luận tại kỳ họp là hoạt động quan trọng của Hội đồng nhân dân; được coi là hình thức giám sát trực tiếp của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với các cơ quan, cá nhân khi được chất vấn nhằm giải đáp, làm rõ trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ theo thẩm quyền, đồng thời giúp đại biểu Hội đồng nhân dân thể hiện trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân.
Hiện nay có 3 văn bản là Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ Chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định về hoạt động chất vấn, thảo luận của đại biểu HĐND. Thực hiện các quy định của luật, tiếp tục kế thừa kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, HĐND Thành phố tổ chức 7 phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND Thành phố, có 219 lượt đại biểu HĐND tham gia chất vấn, tái chất vấn và tranh luận lại việc trả lời chất vấn của UBND Thành phố, và các cơ quan đơn vị liên quan. Các phiên thảo luận tại Hội trường đều có sự tham gia sôi nổi của hàng trăm lượt đại biểu HĐND Thành phố. Thường trực HĐND Thành phố cũng đã tổ chức 04 phiên giải trình về các nội dung: (1) Công tác quản lý nhà nước về thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế và quản lý nước khu vực nội thành trên địa bàn thành phố Hà Nội; (2) Việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội; (3) Tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai trên địa bàn Thành phố Hà Nội; (4) Việc thực hiện kết luận chất vấn tại các kỳ họp HĐND khóa XV đối với công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố. Mặc dù giải trình là nội dung hoàn toàn mới được thực hiện trong nhiệm kỳ 2016-2021 theo quy định của Luật song các phiên giải trình của Thường trực HĐND Thành phố được tổ chức theo đúng quy định của Luật với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng, sôi nổi, nghiêm túc và cầu thị.
Tại các phiên chất vấn, giải trình, từng vấn đề, nhất là những hạn chế, tồn tại đã được các Đại biểu nêu rõ, gắn với đó là những câu hỏi thẳng vào trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; nêu rõ lộ trình thực hiện và thời gian hoàn thành. Các phiên chất vấn, giải trình của HĐND thành phố Hà Nội đều nhận được sự quan tâm chỉ đạo, theo dõi của Thường trực Thành ủy, các đồng chí lãnh đạo Thành phố, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, các địa phương và nhân dân Thủ đô. Chủ tọa điều hành linh hoạt, khoa học, chất lượng, đảm bảo đúng nội dung và chương trình đề ra. Cử tri theo dõi, đánh giá cao chất lượng, hiệu quả của các phiên chất vấn, giải trình. Ngay sau phiên chất vấn, giải trình những kết quả, hiệu ứng lan tỏa tích cực đã được thể hiện rõ nét; được UBND Thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện và báo cáo kết quả tới Thường trực HĐND Thành phố. Qua giám sát việc thực hiện các kết luận chất vấn của Chủ tọa kỳ họp cho thấy, 58,9% kiến nghị của HĐND đã được triển khai có kết quả và hiện hơn 40% kiến nghị đang được tổ chức thực hiện ở các cấp. Qua đó, thực sự khẳng định vai trò, trách nhiệm của HĐND Thành phố và hỗ trợ, hướng dẫn tốt tới Thường trực HĐND các cấp trong việc tiếp thu, học tập mô hình tổ chức để triển khai thực hiện.
Dưới sự điều hành linh hoạt và đổi mới của chủ tọa kỳ họp, hoạt động chất vấn, giải trình, thảo luận của đại biểu HĐND Thành phố nhiệm kỳ 2016-2021 có một số nét nổi bật như sau:
- Tăng cường công tác chỉ đạo: Trước mỗi kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND Thành phố chỉ đạo các Ban HĐND chủ động rà soát từ sớm các vấn đề còn vướng mắc, tổ chức khảo sát, giám sát (giám sát theo kế hoạch và giám sát việc thực hiện các thông báo kết luận của Chủ tọa về chất vấn, tái chất vấn của các kỳ họp HĐND), tổ chức tiếp xúc cử tri, tiếp công dân tại địa bàn ứng cử, tổng hợp các vấn đề thành nhóm chuyên đề để tham mưu cho Thường trực HĐND Thành phố, tham mưu cho Chủ tọa lựa chọn nội dung chất vấn, gợi ý thảo luận tại mỗi kỳ họp đảm bảo đúng và trúng các vấn đề đang được đại biểu HĐND cũng như cử tri Thủ đô quan tâm.
- Công tác chỉ đạo, điều hành của Chủ tọa kỳ họp được đổi mới, linh hoạt trong việc dẫn dắt đại biểu HĐND thực hiện chất vấn, tái chất vấn, thảo luận tại mỗi kỳ họp theo đúng trọng tâm của nhóm câu hỏi chất vấn; nội dung thảo luận; câu chất vấn, thảo luận đảm bảo ngắn gọn, sắc nét, rõ ý và đi vào chiều sâu của vấn đề.
- Cách thức chất vấn, thảo luận theo nhóm chuyên đề, chuyên sâu với phương châm chất vấn đến tận cùng của vấn đề nhưng mang tính xây dựng, tháo gỡ và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
- Chủ thể chất vấn, giải trình: Chủ tọa kỳ họp khuyến khích các đại biểu không chuyên trách tham gia chất vấn, thảo luận, giải trình. Các đại biểu không chuyên trách tham gia ở các lĩnh vực công tác khác nhau đã mang lại cho phiên chất vấn không khí mới, sôi nổi, sát thực tiễn và rất hiệu quả. Đặc biệt chất vấn tại kỳ họp 9 HĐND có 22 đại biểu không chuyên trách tham gia chất vấn được đánh giá là nhiều nhất tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
- Tăng cường thời gian chất vấn, thảo luận: Thời gian chất vấn tăng từ nửa ngày lên một ngày, do đó nội dung chất vấn, số lượt đại biểu tham gia chất vấn cũng tăng lên. Mỗi đại biểu HĐND Thành phố chỉ đặt câu hỏi trong 1 phút với tinh thần hỏi thẳng và trả lời rõ, đảm bảo tinh nghiêm túc, có tiếp thu, cầu thị.
- Nội dung chất vấn được đại biểu HĐND nghiên cứu đảm bảo sát thực tiễn, thực hiện có hệ thống, xuyên suốt tập trung vào vấn đề nổi cộm, bức xúc như: quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, dự án chậm triển khai, quản lý trật tự đô thị, phòng cháy chữa cháy, y tế, văn hóa xã hội…. Đặc biệt tại kỳ họp thứ 5 HĐND chất vấn UBND Thành phố thực hiện các kiến nghị trong thông báo kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn kỳ họp 2,3,4 HĐND Thành phố; kiến nghị sau giám sát của HĐND Thành phố, Thường trực HĐND, các Ban HĐND Thành phố; kiến nghị tại phiên giải trình của Thường trực HĐND Thành phố; các kiến nghị của cử tri nhằm theo đến cùng các vấn đề HĐND đã chất vấn, giám sát.
Bên cạnh đó còn có vai trò tham mưu của các Ban HĐND về chuyên môn trong việc chuẩn bị các chuyên đề chất vấn tại kỳ họp; các Ban đã rà soát, tổng hợp thành các nhóm câu hỏi chất vấn và thống nhất phân công, hướng dẫn kỹ năng đặt các câu hỏi chất vấn cho các đại biểu thành viên Ban nói chung và đại biểu HĐND thành phố nói riêng khi thực hiện chất vấn. Cơ bản các đại biểu HĐND đặt câu chất vấn, tái chất vấn đã ngắn gọn, đúng trọng tâm và đúng chủ thể được chất vấn.
- Mở rộng chủ thể được chất vấn, giải trình: ngoài lãnh đạo UBND, Ủy viên UBND Thành phố, Thường trực HĐND Thành phố mời Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đăng đàn trả lời; mang lại nét mới cho phiên chất vấn.
Chủ thể được chất vấn trả lời cơ bản rõ, đúng nội dung câu chất vấn, tái chất vấn mà đại biểu HĐND, dư luận và cử tri quan tâm, trong đó đã thể hiện được trách nhiệm, rõ địa chỉ và rõ thời hạn giải quyết. Tại mỗi phiên chất vấn, đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố đều báo cáo tiếp thu và bổ sung làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu HĐND chất vấn mà lãnh đạo UBND, lãnh đạo sở ngành chưa trả lời hết; báo cáo làm rõ hơn những kết quả đạt được, những đổi mới trong chỉ đạo điều hành của UBND Thành phố; nhấn mạnh những yêu cầu, nhiệm vụ giải pháp thực hiện và giao trách nhiệm cho sở, ngành, UBND các cấp thực hiện giải quyết các vấn đề đảm bảo quy định và góp phần uy tín của chính quyền Thành phố.
- Về thảo luận của đại biểu HĐND: Trước kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND Thành phố thực hiện chia tổ đại biểu và chỉ định tổ trưởng tổ đại biểu HĐND thực hiện thảo luận tổ và thảo luận tại Hội trường về những nội dung trình tại các kỳ họp HĐND. Với mục đích đi vào chiều sâu, thực chất, phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể đại biểu HĐND khi quyết định thông qua những cơ chế chính sách chung, những vấn đề quan trọng, cấp bách của Thành phố, đảm bảo tính khả thi và có hiệu quả trong cuộc sống thực tiễn của Thành phố.
* Một số kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng chất vấn, thảo luận của đại biểu HĐND
Một là: Quá trình thực hiện hoạt động chất vấn, thảo luận của đại biểu HĐND cần có sự chỉ đạo nhất quán, nghiêm túc, kiên quyết đồng thời kết hợp thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tôn trọng pháp luật và bảo đảm cho pháp luật được thực hiện hiệu quả; đối với những nội dung chất vấn, thảo luận có tính nhạy cảm, phức tạp Thường trực HĐND Thành phố đều xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội, tạo ra sự chủ động của Chủ tọa trong quá trình điều hành phiên chất vấn, thảo luận của đại biểu HDNĐ Thành phố tại kỳ họp HĐND, bảo đảm thực hiện tốt hoạt động chất vấn, thảo luận của đại biểu HĐND Thành phố.
Hai là: Thường trực HĐND chỉ đạo các Ban HĐND làm tốt công tác chuẩn bị nội dung chất vấn, tái chất vấn, thảo luận và giải trình như: tham mưu chương trình điều hành chất vấn, thảo luận khoa học nhưng vẫn đảm bảo tính linh hoạt; đồng thời cần hệ thống vấn đề và lựa chọn trúng và đúng nội dung còn đang vướng mắc, có phạm vi ảnh hưởng rộng, tổng hợp thành nhóm vấn đề dự kiến chất vấn, thảo luận, giải trình; tăng cường công tác phối hợp trong việc cung cấp thông tin cho đại biểu; trao đổi thống nhất phân công cho các đại biểu là thành viên Ban chủ động nghiên cứu kỹ để thực hiện chất vấn hoặc giải trình theo hướng chuyên đề chuyên sâu, đưa ra câu hỏi phải rõ, ngắn, chính xác và tinh thần xây dựng; đồng thời Ban chủ trì có trách nhiệm hướng dẫn kỹ năng chất vấn, thảo luận và giải đáp làm rõ những vấn đề đại biểu là thành viên Ban quan tâm.
Các Ban xây dựng kế hoạch, khảo sát thực tiễn, xây dựng phóng sự hình ảnh trực quan, có thuyết minh rõ địa chỉ các vi phạm, rõ trách nhiệm và thường xuyên đổi mới từ nội dung, phương thức tổ chức thực hiện theo hướng nhóm vấn đề đi vào trọng tâm, trọng điểm, công khai, dân chủ, hiệu quả, vì dân, sát dân và gắn với thực tiễn cơ sở. Chất vấn, tái chất vấn đến tận cùng của vấn đề nếu chủ thể chịu sự giám sát chưa triển khai thực hiện hoặc chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra.
Ba là: Đại biểu HĐND phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng, ý kiến của cử tri; tăng cường quan tâm, lắng nghe ý kiến phản ánh từ nhiều chiều (dư luận, báo chí, phát thanh, cử tri và nhân dân từ thực tiễn của cơ sở) để chuẩn bị các nội dung chất vấn, thảo luận có chiều sâu và phạm vi ảnh hưởng rộng; những cơ chế chính sách áp dụng chung trên địa bàn Thành phố còn chưa đảm bảo tính khả thi hay vướng mắc trong thực tiễn; góp phần nâng cao uy tín của đại biểu HĐND trên nghị trường cũng như hình ảnh của đại biểu trước cử tri, nhân dân.
Bốn là, Các hoạt động chất vấn, thảo luận của đại biểu HĐND Thành phố phải được thực hiện nghiêm túc, công khai và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân giám sát; kết thúc phiên chất vấn đều có Thông báo kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, là căn cứ để HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND thực hiện giám sát. HĐND Thành phố đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho đại biểu, giúp đại biểu chủ động nghiên cứu thực hiện hoạt động chất vấn, thảo luận tại kỳ họp HĐND, giải trình của Thường trực HĐND Thành phố đúng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.
Thưa các quý vị đại biểu, thưa các đồng chí!
Từ thực tiễn hoạt động chất vấn, thảo luận, giải trình của đại biểu HĐND Thành phố, Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội xin đề xuất một số giải pháp tiếp tục nâng cao kỹ năng chất vấn, thảo luận của đại biểu HĐND; tránh tình trạng một số đại biểu HĐND chưa tham gia chất vấn, thảo luận lần nào hoặc khi tham gia chất vấn còn đặt câu chất vấn không đi thẳng vào vấn đề; chưa chất vấn đến tận cùng của vấn đề; thảo luận chưa sâu sắc, nể nang, né tránh, ngại va chạm… cụ thể như sau:
Một là, Tiếp tục khẳng định và nâng cao năng lực điều hành của Chủ tọa kỳ họp hay Chủ tọa phiên họp trong việc lựa chọn nội dung và cách thức tiến hành chất vấn, thảo luận, giải trình.
Tăng cường chất vấn đối với những vấn đề dân sinh bức xúc, vấn đề chất vấn qua nhiều kỳ họp có tiến độ giải quyết còn chậm, tái chất vấn kết hợp chặt chẽ sự vào cuộc tích cực của cơ quan truyền thông, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; góp phần nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh, uy tín của người đại biểu cũng như trách nhiệm của chủ thể được chất vấn.
Điều hành hoạt động chất vấn, giải trình, thảo luận đúng quy định, đổi mới, khoa học, hiệu quả nhưng linh hoạt theo hướng cởi mở, dân chủ, thẳng thắn, khách quan và có tinh thần xây dựng, khơi gợi trí tuệ của đại biểu, dẫn dắt chủ thể được chất vấn trả lời theo hướng 5 rõ (rõ nguyên nhân, rõ trách nhiệm, rõ giải pháp, rõ lộ trình khắc phục..). Chủ tọa kết luận khái quát cao, rõ, ngắn gọn, nêu bật được kết quả chất vấn, thảo luận đạt được những gì, chưa đạt được những gì, giải pháp khắc phục và nội dung còn rút kinh nghiệm.
Hai là, Tiếp tục xác định và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, năng lực, uy tín, trách nhiệm và bản lĩnh của người đại biểu HĐND trong hoạt động giám sát, đặc biệt là hoạt động chất vấn, thảo luận tại mỗi kỳ họp HĐND và tại các phiên giải trình của Thường trực HĐND diễn ra giữa hai kỳ họp. Đại biểu HĐND chủ động nghiên cứu các quy định của pháp luật, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và các vấn đề kinh tế xã hội đang diễn ra tại địa phương để thảo luận, chất vấn, giải trình đúng vấn đề. Quan tâm theo dõi việc thực hiện những nội dung HĐND đã chất vấn và giám sát kết quả thực hiện kết luận chất vấn của Chủ tọa hiệu quả. Tiếp tục tăng cường bồi dưỡng kỹ năng chất vấn, thảo luận đối với đại biểu HĐND.
Ba là, Về chủ thể được chất vấn phải đảm bảo đúng thành phần, hiểu đúng mục đích chất vấn, trách nhiệm và nắm rõ nhiệm vụ của mình để có những trả lời với thái độ nhiệm túc, cầu thị, đúng nội dung vừa chất vấn đảm bảo ngắn gọn, rõ;
Bốn là, Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ đại biểu HĐND và đổi mới, nâng cao việc cung cấp thông tin cho đại biểu đảm bảo tính khoa học, kịp thời và hiệu quả; đồng thời tăng cường công tác hệ thống các nội dung chất vấn, theo dõi kết quả thực hiện kết luận chất vấn, tái chất vấn, kết luận phiên giải trình; để từ đó xây dựng chương trình giám sát, xây dựng kế hoạch giám sát được hiệu quả.